Là cán bộ ngành văn hoá, tôi đã đọc khá nhiều sách và bài báo về hoa lan, nên cũng tự cho mình đã có nhiều hiểu biết về loài hoa cao quý đó. Nhưng tôi tự thấy là sai, sau khi câu chuyện nhỏ này xảy ra…
Chậu địa lan Kiếm Thanh ngọc, bẩy thân, ba giò hoa |
Trưa ngày 22 tháng chạp, tôi họp ở Nhà xuất bản vừa về đến nhà, vợ tôi chỉ chậu địa lan Kiếm, lác đác vài bông hoa đã nở, và nói: Bác Nhân cho nhà mình chậu lan này để đón xuân đây! Bác vội lắm nên về Sóc Sơn rồi.
Tôi liếc nhìn chậu lan, xót thương ông anh cả già yếu và nói: Bác Nhân vất vả quá! Đúng là! của một đồng công một nén!Vợ tôi nói tiếp: Bác đi xe ôm, lùng sục các lan hữu khắp Hà Nội mới mua được chậu lan này đấy!
Một lúc sau, Hảo là thư ký riêng của tôi đến và đưa cho tôi mấy công văn khẩn và bản quyết toán. Hảo nhanh nhẹn bê chậu lan theo tôi vào phòng khách rồi đặt lên đôn.
Tôi để ý thấy Hảo kéo một cái ghế nhỏ đến ngồi cạnh chậu lan. Trong khi tôi đọc các công văn và bản quyết toán thì Hảo vuốt nhẹ nhàng từng cái lá lan, ngồi im, mắt lim dim, chắc là đang tận hưởng mùi thơm của hoa lan.
Tôi đọc xong các công văn, khẽ hỏi Hảo:
- Chú biết loài hoa này à?
- Sếp có được chậu địa lan Kiếm Thanh ngọc, bẩy thân, ba giò hoa này tuyệt vời đấy ạ!
- Sao chú biết kỹ thế?
- Dạ ông đẻ ra em, chơi lan từ năm 60 tuổi. Tết này ông em 80 tuổi ạ.
Nhà tôi, vốn rất quý chú Hảo. Con người chất phác và hay giúp việc riêng của gia đình tôi, nên đã bàn với tôi.
- Anh ạ! Biếu cụ thân sinh ra chú Hảo chậu lan này đi. Để chúc thọ cụ 80 tuổi! Cũng chẳng đợi tôi đồng ý hay không lại nói tiếp:
- Chú Hảo à! đây là món quà của anh chị, chúc thọ ông 80 tuổi.
Tôi đành phải nói theo: Anh chị bận lắm, chú mang về hộ anh chị.
Hảo cuống quít từ chối: Em cảm ơn, nhưng em không dám nhận đâu ạ! Chậu lan này quí lắm đấy ạ!
Nhà tôi hơi nghiêm giọng: Này đây là tặng phẩm chúng tôi chúc thọ ông cụ! Không phải là cho chú đâu!
Hảo tần ngần mãi rồi mới bê chậu lan về.
Địa lan Kiếm Thanh ngọc |
Sáng 30 Tết, chú em rể tôi tặng vợ chồng tôi một chậu lan Hoàng thảo, có 3 cây và 4 giò hoa, các mầu khác nhau: trắng tuyến, trắng tím, trắng hồng, rực rỡ vô cùng.
Nhà tôi thích lắm, đặt lên đôn và gật gù: thế là đủ rồi, có cành đào, có chậu quất, có chục bông lay ơn lại thêm chậu lan này nữa.
Tôi buột mồm khoe với chú em rể:
- Hôm nọ bác Nhân có mang cho anh chị một chậu địa lan Kiếm Thanh Ngọc, có 7 thân và 3 giò hoa.
Chú em rể tôi vội hỏi:
- Thế chậu Thanh Ngọc, bác để ở đâu?
- Anh chị cho rồi, cho chú thư ký của anh.
- Chết! Em nói thật, chậu Thanh Ngọc đó đắt đúng bằng một trăm chậu lan Hoàng thảo này đấy ạ. Loại lan đó là đầu bảng lan truyền thống Việt Nam. Hai bác có công rất lớn, đưa cháu Đức ở quê ra, cho ăn ở học hành, bây giờ cháu lại được đi học ở Pháp. Bác Nhân biết ơn, tặng hai bác chậu lan quý đó là đúng. Còn hai bác lại cho đi! Phí quá! Sao không hỏi em?
- Chú Hảo là thư ký riêng của anh, chú ấy tốt lắm. Ông cụ chú ấy năm nay 80 tuổi, anh chị mừng thọ ông cụ mà.
Chú em rể tôi ca cẩm mãi, chúc thọ ai bằng chậu lan quý này à! Phí quá!
Trưa 30 Tết. Hảo đưa bố đến nhà tôi, bê cả chậu lan theo. Vừa ngồi vào phòng khách, nhà tôi chưa kịp mời nước, Hảo đã vội nói:
- Thưa anh chị, em đã trình bày rất rõ với ông em, anh chị rất tốt với gia đình em, đã chúc thọ ông em bằng chậu lan rất quý này. Nhưng ông em dứt khoát không nhận. Hôm nay em xin được đưa ông em đến để nói chuyện với anh chị!
- Tôi ngắm ông cụ thân sinh ra chú Hảo, tuy 80 tuổi, râu tóc đã bạc, nhưng còn khá lanh lợi, không nặng nề như nhiều cụ già khác.Tôi vội nói tiếp (vì hơi ngại nhà tôi khi đã biết được chậu lan này rất quý, rồi có thái độ quá vui khi được trả lại, hoặc thật thà quá, nói ra sự kém hiểu biết về lan nên mới cho đi). - Thưa bác, em Hảo làm việc với cháu gần chục năm, anh em hợp nhau, chúng cháu coi nhau như anh em. Biết bác chơi lan, nên kén mãi được chậu lan quý để chúc thọ bác đấy ạ. Rất mong bác thông cảm vì chúng cháu quá bận, không mang tới tận nhà biếu bác được.
Ông cụ trả lời rất vui nhưng rất trịnh trọng:
- Kính thưa ông bà, cháu Hảo được giúp việc ông, rất kính trọng ông, hôm cháu mang chậu lan về và có nói ông bà cho chậu lan quý này để chúc thọ tôi, cả gia đình tôi cảm động lắm! - Chậu lan này quý lắm ạ. Tôi chơi lan gần 20 năm chưa dám mơ ước đâu ạ. Xin cám ơn và xin trả lại.
Vợ chồng tôi tranh nhau nói: Xin bác cứ nhận.
Ông cụ chậm rãi nói:
- Xin ông bà nhận lại trong mươi ngày Tết, sau đó xin ông bà cho phép tôi được chăm sóc chậu lan này. Ngày 12 tháng giêng, chi hội lan chúng tôi sẽ họp ở nhà tôi, để chúc thọ tôi. Ngắm lan, uống trà và bình thơ. Có thêm chậu lan quý này chúng tôi sẽ vui lắm. Xin kính mời ông bà tới dự một buổi hợp của những người yêu lan.Tôi vội nói:
- Thưa bác! đến ngày đó sợ hoa tàn mất ạ.
- Dạ nếu để chậu lan ở trong nhà, không bị ong bướm đến thụ phấn, hoa Thanh Ngọc sẽ bền được 25 ngày. Đến rằm tháng giêng vẫn còn hoa đấy ạ. Giống lan quý này, ít người dám để nhiều thân thế này đâu ạ! Vậy cũng xin được phép như thế này: Độ tháng 3, tôi sẽ tách thành 2 chậu: bốn thân và ba thân - và sẽ học hỏi kinh nghiệm của 2 cụ chơi loài lan này được năm bảy năm rồi. Đến Tết năm sau, nếu cả hai chậu lan đều có hoa. Xin ông bà cho gia đình tôi được mượn chậu lan nhỏ để đón xuân. Như vậy chúng tôi vô cùng biết ơn rồi đấy ạ. Còn bây giờ ông bà cho chúng tôi không dám nhận. Được chung lộc với ông bà đến như vậy là đủ lắm rồi, quý lắm rồiạ, vui sướng lắm rồi!
Ý kiến của cụ Hảo đúng là chuẩn nhất. Thế là Hảo bàn với nhà tôi khá kỹ đặt cái đôn có chậu lan ở chỗ nào. Khách đến được ngắm hoa hưởng thụ hương thơm trong mấy ngày Tết, và không lo sợ bị mấy đứa cháu nội, ngoại: con Nghé, thằng Kít, thằng Mít đến chúc Tết ông bà rồi đuổi nhau làm đổ chậu lan.
Tôi tắt hết đài, đến ngồi cạnh chậu lan Kiếm Thanh Ngọc và các chậu hoa khác |
Tối 30 Tết - Nhà tôi bận rộn ở dưới bếp. Tôi tắt hết đài, đến ngồi cạnh chậu lan Kiếm Thanh Ngọc và các chậu hoa khác. Lâu lắm rồi tôi mới có được những lúc thật thanh thản như thế này. Tự nhiên, tôi cảm thấy chìm dần trong không gian thơm thơm, dìu dịu, ngắm mấy chùm lá biêng biếc, ba giò hoa nho nhỏ cao hơn đám lá, mang mấy chục cái nụ và mươi bông hoa đã nở. Cánh hoa màu lục sáng, họng và cánh lưỡi trắng muốt như ngọc, thanh khiết một cách kỳ diệu, tâm hồn tôi thấy nhẹ nhàng, lâng lâng, thư thái vô cùng.
Lúc này nhìn các chậu lan Hoàng thảo sặc sỡ - chục bông lay ơn mầu san hô trên bàn chỉ còn là các loài hoa làm vui vui con mắt. Rồi tôi nhớ lại câu chuyện của nhà văn Nguyễn Tuân về một thú vui hết sức tao nhã của các cụ ngày xưa, ngậm kẹo mạch nha bọc những viên cuội, ướp hương Mặc lan, ngắm lan, uống rượu và làm thơ.
Tôi bỗng nhớ ra các thành ngữ: Vua chơi lan, quan chơi trà, cùng những lời đánh giá hoa địa lan Kiếm rất cao như Bách hoa chi Anh, Hoa chi Kiêu tử, loài hoa có vương giả chi hương, hoặc câu chuyện Tầm lan của Dương Duy Ngữ và bài tuỳ bút của Đặng Tiến Nam: thú chơi lan của người Hà Nội.
Tôi hơi tự hào, đã tự thấm thía được một chút nào đó nét văn hoá truyền thống Á Đông. Tôi đã thấy được cái đáng quý của loài hoa lan Kiếm, dáng thanh thanh, hương dìu dịu, mầu hoa nhã nhã, nhưng lại thể hiện sự trong sáng tuyệt vời, đi vào tâm hồn con người rất sâu đậm mà ít có loài hoa nào sánh kịp.
Người xưa nói:
Thức giả, thị Bảo
Bất thức giả, thị thảo
“Biết thì quý như báu vật
Không biết thì coi như cây cỏ”
Cymbidium sinense |
Đúng là có những cái đẹp - ai cũng có thể nhận thấy ngay được. Nhưng cũng có những cái đẹp cần phải nghiền ngẫm, suy nghĩ học tập, và trao đổi với nhiều người, mới có thể nhận thức được.
Tôi mong chóng đến ngày 12 - Tôi sẽ được gặp những con người chí tình, chí nghĩa với lan, những con người đã cố gắng gìn giữ một nét văn hoá truyền thống dân tộc.
Qua cách suy tính của cụ Hảo, tôi cũng thấy được phần nào tính cách trong sáng - chân thật và chu đáo của con người đã 20 năm sống bên những chậu lan.
Lan Venus
(hoalanvietnam.org)
0 comments :
Post a Comment